Mua bán nợ uy tín, công ty mua bán nợ tại tphcm, công ty mua bán nợ thành nam, mua bán nợ nhanh tphcm, mua bán nợ xấu, công ty mua bán nợ uy tín

Công ty mua bán nợ uy tín tại tphcm và các tỉnh lân cận, Thành nam là một công ty mua bán nợ uy tín, công ty mua bán nợ nhanh tại tphcm, công ty chuyên mua bán nợ xấu, công ty mua bán nợ xấu uy tín tại tphcm và miền nam

Trang chủ / Tin tức / Kiện ra tòa đòi nợ: Người thắng bị kẻ thua chê ngu

Kien-ra-toa-doi-no--Nguoi-thang-bi-ke-thua-che-ngu

 

Kiện ra tòa đòi nợ: Người thắng bị kẻ thua chê “ngu”

Sẽ chẳng có doanh nhân nào dám ký hợp đồng nếu biết đối tác xâm phạm quyền lợi của mình mà Nhà nước không nhiệt tình giúp họ đòi lại công lý.

Cứ như trò đùa

Một doanh nhân tại Hà Nội kể năm 2011 anh bắt đầu khởi nghiệp với số vốn ban đầu 1 tỷ đồng. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, có đối tác nợ 600 triệu đồng tiền hàng hóa. “Nợ kéo dài và chây ỳ không chịu thanh toán, khiến tôi phải kiện ra tòa án. Sau gần 1 năm theo kiện, tốn thêm 100 triệu đồng chi phí thuê luật sư và được tòa xử thắng kiện. Nhưng đến nay vẫn không đòi được một đồng nào từ đối tác, đành chấp nhận buông xuôi trong nước mắt”, anh kể. Cũng vì vụ việc này mà anh đã phải đóng cửa DN của mình.

Những câu chuyện như vậy, không là chuyện hiếm mà ngược lại, rất phổ biến trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện nay.

Một doanh nhân khác kể: “Tôi cũng bị rơi vào trường hợp cho đối tác mua hàng trước, thanh toán sau. Nhưng nợ mãi không chịu trả, bất đắc dĩ phải kiện ra tòa. Thời gian kiện tụng kéo dài 6 tháng với 4 lần lên tòa, phí tôi đóng. Tòa tuyên bố tôi thắng kiện, nhưng cơ quan thi hành án yêu cầu tôi chứng minh tài sản của bên thua, dù họ vẫn có nhà, xe, cửa hàng. Cứ như trò đùa! Giờ bên thua còn cười vào mặt tôi vì cái tội... ngu”. Chúng ta đều biết tòa án là cơ quan có trách nhiệm bảo vệ công lý. Nhưng ta chưa biết rằng dù bản án công bằng mà không được thực thi, thì công lý vẫn ngoài tầm tay, doanh nhân này chua chát kết luận.

Những trường hợp nợ khó đòi, mong nhờ luật pháp can thiệp, quả là một hành trình gian nan với nhiều chủ nợ

Trong khi đó, nhân viên bán hàng của một doanh nghiệp tại TP.HCM, chia sẻ: “Công ty em có một đối tác nợ tiền mua hàng hơn 2 năm, mỗi lần qua đòi bà này đều nói không có tiền lấy gì trả, mặc dù thấy bà vừa mua thêm nhà mới và vẫn nhập hàng rầm rầm. Khi dọa kiện ra tòa thì người này cười khẩy, bảo ‘em nói công ty em đi kiện đi, đưa ra tòa đi, giấy tờ có đó, cần xác nhận nợ nần bằng chứng gì, đem chị ký cho mà đi kiện, chị theo em’. Có phải do luật pháp của mình còn nhiều lỗ hổng, nên con nợ ngang nhiên chây ỳ, chẳng lo sợ gì cả?”, nhân viên này đặt câu hỏi.

Trong kinh doanh, việc phát sinh các khoản nợ là chuyện bình thường, nhưng gặp phải những trường hợp nợ khó đòi, mong nhờ luật pháp can thiệp, quả là một hành trình gian nan khiến nhiều chủ nợ thất vọng, chán nản, mất niềm tin, thậm chí là phẫn uất.

Độ tin cậy thấp

Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp” năm 2020, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy, độ tin cậy của hệ thống tư pháp, khi giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại tại Việt Nam rất thấp. Vấn đề vướng mắc nhất vẫn nằm ở giai đoạn thi hành án dân sự.

Tổng hợp các báo cáo định kỳ hàng tháng của Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp từ năm 2016 đến hết tháng 11/2020 cho thấy, tổng giá trị tài sản mà các tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan Nhà nước thi hành án dân sự tăng rất nhanh, từ 176 nghìn tỷ đồng (năm 2017) lên 274 nghìn tỷ đồng (2019) và 286 nghìn tỷ đồng (11 tháng năm 2020). Trong số đó, qua quá trình xác minh, tỷ lệ có khả năng thi hành án dao động từ 45% đến 55%, tùy từng thời điểm.

Tuy nhiên, tỷ lệ giá trị thi hành xong giảm liên tục qua các năm. Năm 2017, tỷ lệ này đạt 42,9%, đến 11 tháng đầu năm 2020 chỉ còn 31,77%. Nếu tính trên tổng giá trị thụ lý thì chỉ đạt 23,1% năm 2017 và 16,9% trong 11 tháng đầu năm 2020.

Nói cách khác, cứ mỗi 100 đồng quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp, được tòa án hoặc trọng tài thương mại công nhận, cần nhờ đến cơ quan thi hành án dân sự thu hồi giúp, thì cơ quan này chỉ thu hồi được khoảng 17 đồng trong năm 2020. Trong số 83 đồng còn lại, có khoảng 47 đồng không có khả năng thi hành (thường do người có nghĩa vụ không còn tài sản) và 36 đồng rơi vào trường hợp còn tài sản nhưng cơ quan thi hành án không thu hồi được. Con số này thấp và đang có xu hướng giảm nhanh một cách đáng báo động.

Không quốc gia nào trên thế giới, có thể đưa nền kinh tế phát triển đến trình độ cao mà không cần một hệ thống tư pháp nhanh, hiệu quả và tin cậy.

Hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, có ý nghĩa rất quan trọng với môi trường kinh doanh của mỗi quốc gia. Nếu hệ thống tư pháp làm việc tốt, nhanh chóng, minh bạch và hiệu quả thì các hợp đồng được bảo đảm, môi trường kinh doanh trở nên an toàn, ít rủi ro. Ngược lại, nếu hệ thống tư pháp không bảo vệ được quyền hợp đồng, sẽ khiến cho các bên luôn thường trực tâm lý sẵn sàng vi phạm, môi trường kinh doanh từ đó trở nên rủi ro, bất định, báo cáo của VCCI nhận định.

Bất ổn môi trường kinh doanh

Các chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh trên thế giới luôn dành một mục quan trọng để đánh giá về tốc độ, tính hiệu quả, chi phí và mức độ tin cậy của hệ thống tư pháp, khi giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại. Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2020 (Doing Business 2020) được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cuối năm 2019, thì hai chỉ số tư pháp của Việt Nam đều ở thứ hạng thấp.

Cụ thể, chỉ số thực thi hợp đồng xếp vị trí 68/190 và chỉ số phá sản doanh nghiệp xếp vị trí 122/190. Còn tính trong giai đoạn từ 2014-2020, thì tụt bậc. Chỉ số thực thi hợp đồng từ vị trí 47 xuống vị trí 68, tụt 21 bậc; chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp từ vị trí 104 xuống vị trí 122, tụt 18 bậc.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu ngành tư pháp không đẩy mạnh cải cách, tình trạng này chắc chắn sẽ tiếp tục xấu đi, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Sẽ chẳng có doanh nhân nào dám ký hợp đồng hay giao dịch nếu biết rằng, các đối tác hoặc bất kỳ ai khác xâm phạm quyền của mình, Nhà nước không nhiệt tình đứng ra giúp họ đòi lại công lý. Không những thế, nó còn dung túng cho những kẻ chỉ thích đi lừa người khác mà không lo làm ăn chân chính. Cùng với đó là dịch vụ thuê giang hồ đòi nợ, ngày càng phát triển, gây thêm những bất an cho xã hội.

Một luật sư có thâm niên theo những vụ kiện dân sự cho rằng, không quốc gia nào trên thế giới, có thể đưa nền kinh tế phát triển đến trình độ cao mà không cần một hệ thống tư pháp nhanh, hiệu quả và tin cậy.

Điển hình trong khu vực Đông Nam Á là Singapore. Hệ thống tư pháp của nước này được đánh giá là nhanh nhất thế giới với mức độ tin cậy cao, khả năng có thể dự đoán của doanh nghiệp và dân chúng với tư pháp rất lớn. Uy tín đó đã góp phần quan trọng, kéo người làm ăn khắp nơi đổ về quốc đảo này khởi nghiệp. Còn với Việt Nam, cũng có khả năng dự đoán cao, nhưng theo hướng ngược lại. Bị đối tác nợ tiền không nên kiện ra tòa, bởi sẽ phải đối mặt với những thủ tục dài lê thê và nhiều khi là phi lý, chi phí tốn kém. Nếu có thắng kiện, chưa chắc đã thu hồi được nợ, có thu hồi được thì tỷ lệ cũng rất thấp.