Căn cứ pháp lý:
Bộ luật Dân sự 2015 – BLDS;
Luật các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
1. Khái niệm mua bán nợ.
Nợ là nghĩa vụ trả tài sản của bên nợ đối với chủ nợ được thể hiện trong hợp đồng hoặc phát sinh quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Mua bán nợ là việc bên bán nợ chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền khác liên quan đến khoản nợ cho bên mua nợ và bên mua nợ trả tiền cho bên bán nợ.
Theo đó, Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là việc thực hiện liên tục một hoặc một số hoạt động liên quan đến việc mua bán nợ nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: Mua nợ, bán nợ, môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ và dịch vụ sàn giao dịch nợ.
2. Nợ có được xem là tài sản không?
Theo quy định tại Điều 105 BLDS thì tài sản bao gồm:
“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài khoản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”
Trong đó, Điều 115 quy định về Quyền tài sản như sau:
“Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.”
Đồng thời, tại Điều 450 BLDS cũng có quy định:
“1. Trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, bên mua phải trả tiền cho bên bán.
2. Trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả.
3. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản là thời điểm bên mua nhận được giấy tờ về quyền sở hữu đối với quyền tài sản đó hoặc từ thời điểm đăng ký việc chuyển quyền sở hữu, nếu pháp luật có quy định.”
Từ những quy định trên, có thể thấy mua bán quyền tài sản có đề cập đến quyền tài sản là quyền đòi nợ. Theo đó, nợ được xem là đối tượng của hợp đồng mà các bên có thể chuyển giao như một loại tài sản đặc biệt. Xét về bản chất, việc mua bán nợ được hiểu là chuyển quyền sở hữu đối với khoản nợ, đồng thời chuyển nghĩa vụ của bên bán nợ cho bên mua nợ. Việc này nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi của chủ nợ nhưng do cách thực hiện đòi nợ không đúng quy định của pháp luật nên mới gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội.
3. Cần lưu ý những gì khi ký kết Hợp đồng mua bán nợ?
Để tránh phiền phức khi ký kết Hợp đồng mua bán nợ cũng như để hợp đồng mua, bán nợ có giá trị pháp lý và đảm bảo quyền nghĩa vụ thực hiện thì khi ký kết Hợp đồng mua, bán nợ cần lưu ý về hình thức và nội dung của Hợp đồng, cụ thể như sau:
Hình thức của Hợp đồng mua bán nợ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-NHNN thì mua bán nợ là thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh. Theo đó, bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ.
Đồng thời tại khoản 1 Điều 13 Thông tư này quy định Hợp đồng mua, bán nợ phải được ký bởi người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của các bên mua, bán nợ.
Theo đó, Hợp đồng mua, bán nợ không bắt buộc các bên phải công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, nếu xét thấy cần thiết các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc công chứng hoặc chứng thực Hợp đồng mua, bán nợ. Như vậy, Hợp đồng mua bán nợ phải bắt buộc được lập thành văn bản và không bắt buộc phải công chứng.
Nội dung của Hợp đồng mua bán nợ
Theo quy định Điều 13 Thông tư 09/2015/TT-NHNN thì Hợp đồng mua bán nợ bao gồm các nội dung sau:
“1. Hợp đồng mua, bán nợ phải được ký bởi người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của các bên mua, bán nợ.
2. Hợp đồng mua, bán nợ phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Thời gian ký kết hợp đồng mua, bán nợ;
b) Tên, địa chỉ của các bên tham gia ký kết hợp đồng mua, bán nợ;
c) Tên, chức danh người đại diện các bên tham gia ký kết hợp đồng mua bán nợ;
d) Tên, địa chỉ của bên nợ và các bên có liên quan (nếu có) tới khoản nợ được mua, bán;
đ) Chi tiết khoản nợ mua, bán: Số tiền vay, thời gian vay, mục đích giá trị ghi sổ của khoản nợ đến thời điểm thực hiện mua, bán nợ;
e) Các biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán của bên nợ đối khoản nợ được mua, bán (nếu có);
g) Giá bán nợ, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán;
h) Thời điểm, phương thức và thủ tục chuyển giao hồ sơ, chứng từ khoản nợ, bao gồm cả hồ sơ, tài liệu về tài sản bảo đảm của khoản nợ (nếu có); Thời điểm bên mua nợ trở thành người thế quyền, nghĩa vụ đối với khoản nợ của bên bán nợ;
i) Quyền và nghĩa vụ của bên bán nợ, bên mua nợ;
k) Trách nhiệm của các bên do vi phạm hợp đồng;
l) Giải quyết tranh chấp phát sinh.
3. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác trong hợp đồng mua, bán nợ không trái với quy định Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
4. Việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ nội dung hợp đồng mua, bán nợ do các bên liên quan thỏa thuận, quyết định trên cơ sở đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.”
Theo đó, Hợp đồng mua bán nợ cần có những nội dung chủ yếu nêu trên và có thể thỏa thuận thêm các điều khoản chi tiết khác để tránh rủi ro trong giao dịch.
Theo nguồn: Luật phúc cầu